Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Từ Thái Bình đến Tiên Lãng

NGUYỄN THANH LONG


Vợ và các con của hai anh Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý dựng lều ở tạm để đón Tết Nhâm Thìn vì căn nhà của họ đã bị phá sập.
Đầu năm 1998, sau khi vụ Thái Bình nổ ra, tôi có viết một bài nhỏ trong mục này, trên tờ báo này, để “Xin cám ơn Thái Bình”, trích :Xin cám ơn Thái Bình, bởi vụ việc xảy ra ở Thái Bình, tuy đáng buồn, nhưng đã đưa đến “một bài học quý giá” cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân, như Chủ tịch nước Trần Đức Lương phát biểu hôm 26-2-1998 tại Hội nghị cán bộ tỉnh Thái Bình … Bài học đó, …cơ bản nhất hẳn vẫn là bài học về nhân dân, của nhân dân, và còn là một bài học cần thiết trong bối cảnh phát triển hiện nay, như một thứ cơn sốt vỡ da.”

“Xin cám ơn Thái Bình vì trong những “thời điểm rối ren vừa qua”, thậm chí tình trạng “vô chính phủ”, Thái Bình vẫn giữ được tính “giàu truyền thống cách mạng” của mình. Nghĩa là chống “tệ tham nhũng và mất dân chủ đã xảy ra phổ biến trong đội ngũ cán bộ các cấp”, chống “nhiều việc làm trái pháp luật”, tố cáo “nhiều khoản thu của nhân dân không theo quy định”… Nhưng Thái Bình vẫn làm việc đó với – và vì – ý thức cách mạng và muốn gìn giữ công sức đóng góp của nhân dân trong nhiều thế hệ.”
“Xin cám ơn Thái Bình, không có nghĩa là cổ vũ những Thái Bình khác. Nhưng vì tin rằng “bài học Thái Bình” sẽ là một kinh nghiệm tốt, để đừng bao giờ có thêm những Thái Bình nữa.” (Tb. CGvDT, số 1148, ngày 8-3-1998, trang 2)
*
Mười bốn năm sau, Mùa Xuân 2012, nổ ra vụ Tiên Lãng; lần này, với đúng nghĩa của từ nổ : có súng đạn, có máu, có nước mắt, có đổ nát… như mọi người đã rõ ! Vậy thì cái được gọi là “Bài học quý giá” ở Thái Bình có thực là một bài học ? Và niềm “tin rằng “bài học Thái Bình” sẽ là một kinh nghiệm tốt, để đừng bao giờ có thêm những Thái Bình nữa” cách đây 14 năm của tôi – và chắc không chỉ của riêng tôi – đã không thành sự thật ? Hay cái mà tôi lạc quan gọi là “cơn sốt vỡ da cần thiết” mang tính tích cực thì thực chất lại là một căn bệnh trầm kha chẳng những chưa thể cứu chữa mà còn ngấm ngầm di căn lan rộng ngày càng nghiêm trọng với nguy cơ dẫn đến thối rữa và mục ruỗng ?
Ai cũng có thể thấy, vụ Tiên Lãng xảy ra, tuy bất ngờ, không ai muốn, nhưng lại như một minh họa đầy sức nặng cho lời phát biểu của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay nhân dịp khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (ngày 26-12-2011) : “Chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp… Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Vì thế điều mà ai cũng đang mong chờ từ vụ Tiên Lãng, sau khi mọi sự thật và bản chất của vụ việc đã và sẽ được phơi bày, đó là nó sẽ mở ra tương lai nào cho dân tộc này ?
*
Trong niềm mong chờ đó từ phiên tòa Tiên Lãng chắc hẳn sẽ diễn ra, tôi nhớ đến phiên tòa xử người nông dân nổi dậy Giắccu trong cuốn tiểu thuyết “Giắccu, người nông dân nổi dậy” (Jacquou, le croquant) của nhà văn Pháp Eugène Le Roy viết năm 1899 lấy cảm hứng từ các sự kiện thực sự diễn ra trong các cuộc nổi dậy ở phía tây nam nước Pháp vào đầu thế kỷ XIX, đã được dựng thành phim và đã được chiếu trong những năm 1980 tại Việt Nam (cuốn tiểu thuyết này sau đó cũng được dịch đăng một phần lớn trên báo CGvDT và sau đó Nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản toàn văn vào tháng 11-1986). Xin trích giới thiệu lại với Bạn đọc bài biện hộ cho Giắccu của trạng sư Phôngơravơ (Fongrave) trước tòa án sau khi Giắccu và các bạn nổi dậy bị bắt vì tội đốt lâu đài của Bá tước Nănxắc (de Nansac) để chống lại sự hà hiếp của Bá tước này. Một bài biện hộ xuất sắc, thấu tình, đạt lý, và nhờ áp lực của cuộc Cách mạng Tháng Bảy (30-7-1830) tại Paris đánh đổ giai cấp phong kiến và thiết lập nên chế độ quân chủ tư sản diễn ra cùng lúc với phiên tòa, Giắccu được tha bổng :
Dõi qua lịch sử các thế kỷ, tôi hình như tìm thấy vài vết tích của một nền công lý tiềm ẩn trong các biến cố. Hẳn nhiên đây không phải là nền công lý cao cả và nghiêm minh mà nhân loại ao ước, nhưng đây là một hệ quả báo thù, nghĩa là đàn áp sẽ dẫn đến hận thù, áp bức sẽ đưa đến nổi loạn, bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực, và bất công sẽ gây ra việc vi phạm những luật lệ của công lý.”
“Nội vụ đang được trình bày với quý ngài chỉ là một giai đoạn trong cả một chuỗi dài nổi dậy của những người nông dân do bị thúc đẩy bởi những đối xử tàn bạo, những ngạo ngược vô cùng, và bởi sự đàn áp thảm khốc nhất…[…]”
Khi được chánh án nhắc nhở không được tìm hiểu nguồn gốc gia tài của Bá tước Nănxắc, trạng sư Phônggơravơ nói :
“… Tôi hoàn toàn nhìn nhận nguyên tắc quyền sở hữu phải được tôn trọng… Do đó tôi tôn trọng cái gia tài mà người nông dân chân chính và cần cù gây dựng được, và tôi cũng tôn trọng loại của cải là kết quả cụ thể của lao động. Nhưng khi một gia sản được xây dựng trên sự thiệt hại chung, khi của cải kiếm ra là nhờ lừa bịp, thì với tư cách là người và là trạng sư, tôi có quyền bêu riếu và khinh bỉ nó.”
Tiếp đó, sau khi trưng ra những cơ cực, những bạo ngược mà người dân quê sống xung quanh lâu đài bá tước phải chịu đựng, ông trạng sư kêu lên :
Đấy, thế mà chúng ta đang sống vào thời 40 năm sau bản Tuyên ngôn Nhân quyền ! Và bây giờ, thưa các ngài, những người nông dân sống xung quanh Bá tước Nănxắc cứ phải chịu đựng mãi sao ? Họ đã biết nói : “Không ! […]”
“Thưa các ngài, chẳng có gì ngạc nhiên khi công lý và lòng nhân đạo bị chà đạp và xúc phạm như thế, thì nông dân sẽ nổi dậy và xét xử những kẻ thủ phạm ! May mắn là, trong nội vụ này, họ dừng lại ở những hành động trả thù về mặt vật chất !
Nếu tra cứu lịch sử, chúng ta thấy rằng, cho đến cuộc Cách mạng vốn như là một sự tổng hợp, tất cả các cuộc nổi dậy của nhân dân đều xuất phát từ các chế độ bạo chúa của những người có quyền […]”
Cuối cùng, khi bị ông chánh án yêu cầu kết thúc phần bào chữa, ông trạng sư kết luận :
Thưa các ngài, tôi xin kết thúc. Cũng giống như những người nổi dậy này, mà tôi còn có thể kể thêm nữa; cũng giống như những con người vô danh trong Lịch sử đã cố gắng, qua nhiều thế kỷ, lật đổ những tai ách đè nặng trên vai mình, hay nói đúng hơn, lật đổ tảng đá của ngôi mộ đang đè phủ mình; cũng giống như tất cả những người khốn khổ đó đã được hậu thế xóa tội, nên những con người này phải được các ngài tuyên trắng án. Những gì họ làm, cha ông họ cũng đã làm. Bị đẩy đến đường cùng bởi những tàn bạo, những áp bức liên tục, những chà đạp nhân phẩm, họ đã nổi dậy. Bởi vì luật pháp chẳng đếm xỉa gì đến họ, bởi vì những người phải bảo vệ họ chống lại những xúc phạm và những bạo ngược đã bỏ rơi họ, bởi vì người ta đã coi họ như là những kẻ sống bên ngoài pháp luật và công lý, tôi xin mạnh mẽ nói rằng tội của họ có thể tha thứ được; tôi còn có thể nói : Họ vô tội ! Họ nghèo khổ, ốm yếu và bị áp bức, họ muốn có được những quyền lợi tự nhiên và nói một cách nào đó, họ là những con vật muốn trở lại làm người : Ai có thể kết án họ ?”
“Thưa các ngài bồi thẩm, tôi tin tưởng giao phó sinh mạng của những bị cáo này vào tay các ngài, chắc rằng vào lúc mà nhân dân thủ đô đã đánh đuổi những kẻ muốn cướp đoạt tất cả mọi thứ tự do của chúng ta, các ngài sẽ trả họ về với gia đình. Giắccu và các bạn của anh ta đã làm ở quy mô nhỏ điều mà nhân dân Paris đã làm; vì thiếu pháp luật, họ phải dùng đến bạo lực để phục vụ cho công lý. Hãy tha bổng họ, thưa các ngài ! Cuộc Cách mạng, toàn thắng ở Paris thì không thể bị kết án ở đây ! Hãy tha bổng họ, và các ngài sẽ thỏa mãn được ước vọng của những người đồng hương của mình, họ sẽ ca tụng các ngài vì đã xử án không phải như là những luật gia lạnh lùng, nhưng như là những con người có quả tim không chai đá trước những gì liên quan đến con người !
*
Xin giới thiệu, nhưng cũng như muốn gởi gắm một hy vọng, hay mãnh liệt hơn, một niềm tin, không phải chỉ vào một phiên tòa ! Bởi vì sự nghiệp cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động, người nghèo… khỏi mọi đàn áp, bóc lột, bất công… đã được thực hiện trên toàn đất nước thống nhất này kể từ ngày 30-4-1975 thì không có lý do gì lại bị chận lại ở Tiên Lãng !
(Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1843, ngày 3-2-2012, mục Sổ tay hàng tuần, trang 1 và 48 – Stht 04-2012)
Nguồn: blog NTL
 VIDEO liên quan :